Lương Văn Can, người thầy của doanh nhân Việt

Hiệu là Ôn Như, Lương Văn Can sinh năm 1854 trong một gia đình nghèo ở xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội).

Năm 21 tuổi (1874), ông thi Hương đậu cử nhân.

Đến kỳ thi Hội năm 1875, ông vào đến nhị trường.

Sau kỳ thi, Lương Văn Can được triều đình bổ nhiệm làm Giáo thụ phủ Hoài Đức nhưng ông khước từ.

Sau đó, ông còn từ chối lời đề nghị giữ chức Ủy viên Hội đồng Thị chính thành phố Hà Nội của chính quyền Pháp.

Từ đó, ông cũng giã từ luôn khoa cử và công danh dưới chế độ phong kiến, thực dân.

Đến năm 25 tuổi (1879), ông cùng vợ là à Lê Thị Lễ mở trường Ôn Như tại nơi ở số 4 phố Hàng Đào, chuyên tâm vào việc đào tạo những lớp trí thức trẻ có tâm, có tài cho đất nước.

Rất nhiều học trò của ông sau này tham gia các tổ chức cách mạng, nhiều người đóng góp tiền bạc cho các tổ chức yêu nước.

Lương Văn Can đã nghiên cứu học tập một số bậc tiền bối có tư tưởng duy tân như Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch…

Tháng 3-1907, ông liên kết với một số người cùng chí hướng như Nguyễn Quyền, Lê Đại, Hoàng Tăng Bí, Vũ Hoành… lập ra trường Đông Kinh Nghĩa Thục tại số 4 và số 10 phố Hàng Đào.

Với khẩu hiệu ‘khai dân khí, chấn dân khí, hậu dân sinh’, mục đích của nhà trường là nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc và chí tiến thủ của quần chúng.

Truyền bá một nền tư tưởng học thuật mới và một nếp sống văn minh tiến bộ. Phối hợp hành động với các sĩ phu đã xuất dương và hỗ trợ các phong trào Đông Du của Phan Bội Châu và phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh đang phát triển trong cả nước.

Đứng ra chủ trì Đông Kinh Nghĩa Thục, Lương Văn Can không những cống hiến trí tuệ, sức lực mà cả sản nghiệp của mình.

Nhà cửa của ông được dùng làm cơ sở dạy học của trường.

Công việc kinh doanh của hai vợ chồng ông đóng góp tài chính chủ yếu cho hoạt động của trường.

Con cháu ông bà đều tham gia công việc của trường.

Riêng Lương Văn Can vừa đảm đương chức Hiệu trưởng, vừa đảm nhiệm công việc biên soạn các tài liệu giảng dạy.

Đông Kinh Nghĩa Thục nhanh chóng trở nên nổi tiếng bên trong Hà Nội, nhiều tỉnh lân cận cũng đã có các hội nhóm mở lớp, xin sách giáo khoa của trường về giảng dạy.

Bắt đầu là ở Hà Đông, quê hương của nhiều sáng lập viên nghĩa thục có tên tuổi như Vũ Trác, Hoàng Tăng Bí; ở Hoài Đức còn có ba phân hiệu nghĩa thục ở thôn Canh, Tây Mỗ, Tân Hội.

Ở Hưng Yên cũng có hai huyện có nghĩa thục, lại còn mở thêm một hiệu buôn nội hóa là Hưng Lợi Tế.

Hải Dương, Thái Bình, Nghĩa thục cũng phát triển khá mạnh mẽ, lại còn tổ chức ra nhiều hội ái hữu, tương tế.

Thậm chí, nghĩa thục của Thái Bình còn cử người đi liên hê với phong trào chống Pháp của Hoàng Hoa Thám, muốn ứng viện cho nghĩa quân Yên Thế…

DongKinhNghiaThuc

Các sĩ phu Phong-trào Đông Kinh Nghĩa Thục

Ban đầu, chính quyền Pháp cho phép cho Đông Kinh Nghĩa Thục hoạt động hợp pháp.

Về sau nhận thấy đây có thể là một mối nguy đối với chế độ thuộc địa, vào tháng 11 năm 1907, chính quyền thực dân buộc phải ra lệnh giải tán trường.

Đầu năm 1908, chính quyền thực dân ra lệnh cấm việc hội họp diễn thuyết ở miền Trung.

Sau vụ vụ chống thuế Trung kỳ (tháng 3 năm 1908) và vụ đầu độc lính Pháp ở Hà Nội (tháng 6 năm 1908), chế độ thuộc địa của Pháp nhân đó quy trách nhiệm cho sĩ phu duy tân và thẳng tay đàn áp, bắt hầu hết giáo viên, giải tán hội buôn, đóng cừa Đăng Cổ Tùng Báo, cấm diễn thuyết, nói chuyện, cấm lưu hành và tàng trữ các tác phẩm của nhà trường.

Sáng lập viên chính là Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Đào Nguyên Phổ, Phan Tuấn Phong, Đặng Kinh Luân, Dương Bá Trạc, Lê Đại Vũ Hoành, Phan Đình Đối, Phan Huy Thịnh, Nguyễn Hữu Cầu, Hoàng Tăng Bí.

Các hoạt động giảng dạy, diễn thuyết của Đông Kinh Nghĩa Thục nhanh chóng phát triển ra các vùng phụ cận, tạo ra một làn sóng duy tân mạnh mẽ.

Để ngăn chặn tầm ảnh hưởng của những nhà trí thức yêu nước, thực dân Pháp tiến hành khủng bố, đàn áp.

Ông và một số yếu nhân của Đông Kinh Nghĩa Thục bị bắt, nhiều người bị kết án lưu đày khổ sai.

Năm 1913, ông bị thực dân Pháp kết án biệt xứ, lưu đày sang Nam Vang (Campuchia).

Sau mười năm, ông mới được giảm án và trở về Hà Nội.

Ông lại tiếp tục mở trường dạy học tại số 4 Hàng Đào.

Tuy không còn quang cảnh Đông Kinh Nghĩa Thục ngày xưa nhưng học trò cũng khá đông và có một số tiếng vang nhất định trong những năm 1920 của thế kỷ XX.

Năm 1927, ông qua đời tại Hà Nội, thọ 73 tuổi.

Trước khi mất, ông vẫn để lại lời dặn cho các con cháu:

‘Bảo quốc túy, tuyết quốc sỉ’.

(Giữ tinh hoa của nước, rửa nhục nước).

Lương Văn Can có ba ngườicon tham gia tích cực phong trào yêu nước đầu thế kỉ XX:

Lương Trúc Đàm tham gia Đông Kinh nghĩa thục.

Lương Ngọc Quyến tham gia phong trào Đông Du (1905) học ở Nhật, sau trở thành người chỉ huy cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên (1917).

Lương Nghị Khanh cũng tham gia phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, năm 1916, qua Thái Lan, vế Phnôm Pênh (Campuchia), rồi mất năm 80 tuổi.

GiohocDongKinhNghiaThuc

Một buổi học lịch sử ngoài trời

Ngày 1/7/2012, nhân kỉ niệm 85 năm ngày mất của cụ Lương Văn Can, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã truy tặng danh hiệu ‘Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu’ cho ông.

Lương Văn Can là một trong những người ủng hộ hết lòng cho sự phát triển của thương nghiệp.

Ông đã nhận thấy vai trò trọng của nghề kinh doanh đối với sự phát triển của dân tộc.

Ông cũng nhìn thấy tầm quan trọng của giao thương quốc tế từ cách đây hơn một thế kỷ.

Ông viết:

“Bây giờ phong khí mở rộng, hoàn cầu đi lại như một nhà.

Đường bộ thì có hỏa xa.

Đường thủy thì có hỏa thuyền.

Không trung thì có tàu bay.

Lại thêm điện báo để thông thư tín.

Điện thoại để thông âm ngữ.

Tin tức đã mau.

Vận tải rất tiện.

Người mà thông buôn bán thì làm giàu cũng dễ”.

Lương Văn Can xây dựng Đông Kinh Nghĩa Thục và truyền bá những tư tưởng kinh doanh ở Việt Nam thông qua hai cuốn sách ‘Thương học phương châm’ và ‘Kim cổ cách ngôn’.

Trong cuốn ‘Thương học phương châm’, ông đưa ra những quan điểm rất mới về thương mại và khoa học thương mại:

“Cổ nhân thường khinh sự buôn bán là mạt nghệ, bởi vì người đời xưa trọng đạo đức mà khinh công lợi…

Bấy giờ các đại quốc do thông thương mà làm được phú cường, các nhà đại tư bản do kinh thương mà phú gia địch quốc.

Thế thì sự buôn cũng chẳng nên câu nệ như xưa mà chẳng lưu tâm nghiên cứu”.

Đây là một quyển sách rất đáng chú ý bởi vì nó không chỉ hướng dẫn cụ thể về nghề thương mại mà còn đề cập đến vai trò của thương mại đối với sự phát triển kinh tế và mổ xẻ tình trạng thương mại yếu kém của nước ta thời phong kiến.

Đặc biệt, Lương Văn Can đã chỉ ra sự buôn bán ở nước ta chưa phát triển được là do mười nguyên nhân:

“Ta không có thương phẩm.

Không có thương hiệu.

Không có chữ tín.

Không có kiên tâm.

Không có nghị lực.

Không biết trọng nghề.

Không có thương học.

Kém đường giao tiếp.

Không biết tiêt kiệm.

Và khinh hàng nội hóa”.

Do đó, theo ông, để cho dân giàu nước mạnh, cần phát triển nghề buôn, và mọi người cần chú trọng nghiên cứu thương học.

Nhận xét về cuốn sách này, nhà nghiên cứu lịch sử Trần Thái Bình cho rằng:

“Từ cách đây gần 100 năm, tác giả đã là người có kiến thức rộng về kinh doanh và các vấn đề được đưa ra bàn chẳng khác mấy so với khoa thương mại hiện đại như các vấn đề vốn, kế toán, tiếp thị, bán hàng, giao tế, thương hiệu…”.

Trong khi đó, cuốn ‘Kim cổ cách ngôn’ lại đề cập tới vấn về đạo đức kinh doanh, với những câu cách ngôn Đông, Tây, kim, cổ.

Ông phân tích:

“Ai cũng cần của cải, nhưng của cải phải trong sáng, phải được làm ra một cách trung thực.

Của cải đã trong sáng rồi thì phải được sử dụng một cách hợp lý, tiết kiệm.

Đó không những là đạo đức chung cho tất cả mọi người mà còn là ‘đạo làm giàu của doanh nhân’”.

Lương Văn Can khẳng định buôn bán là một nghề lương thiện và chân chính.

Kinh doanh không chỉ là thu về nguồn lợi cho cá nhân mà còn đem lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội.

Tiết kiệm là một đạo cần thiết đối với người làm kinh doanh, nhưng cũng phải biết cách tiêu tiền, biến những đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình thành những giá trị bằng cách phục vụ xã hội.

LuongVanCan

Ngôi trường được cụ Lương Văn Can xây dựng từ năm 1924 tại làng Nhị Khê quê nhà

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, ‘Kim cổ cách ngôn’ là một thứ sách giáo khoa bàn về cách làm giàu và bàn về của cải để mong tìm ra một ‘đạo làm giàu’ của người Việt Nam mà không bị cuốn vào cơn lốc làm giàu của xã hội thời thuộc địa.

Có thể nói, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, vấn đề kinh doanh, buôn bán được trình bày, bàn luận một cách chuyên sâu, thấu đáo.

Những ý kiến sắc sảo nêu ra trong hai cuốn sách ‘Thương học phương châm’ và ‘Kim cổ cách ngôn’ đã được nhiều nhà sử học và nhà kinh doanh đánh giá rất cao vì những giá trị thiết thực của nó đối với sự nghiệp đổi mới đất nước ta hiện nay.

Cả cuộc đời của Lương Văn Can luôn làm theo đúng ‘đạo kinh doanh’ mà ông đã xây dựng.

Những đồng tiền gia đình ông tích cóp từ việc kinh doanh được sử dụng để phụng sự xã hội, làm những việc ích nước lợi dân.

Trong các trường hợp cần thiết, gia đình ông sẵn sàng bán cả gia sản tổ tiên để đóng góp cho sự nghiệp chung của dân tộc.

Không chỉ để lại cho đời những kiến thức, kinh nghiệm quý giá về kinh doanh trên sách vở mà Lương Văn Can còn là một người có nhiều trải nghiệm thực tế thành công trong kinh doanh.

Mặc dù ở hoàn cảnh bị tù đày tại Campuchia, ông vẫn nhận thấy đây là một thị trường tiềm năng, rất thích hợp cho hàng hóa từ Việt Nam sang nên đã chỉ đạo con cháu mở đường sang xây dựng cơ sở kinh doanh tại Campuchia và đã rất thành công.

Điều đó cho thấy tài năng của ông trong kinh doanh.

Nếu như trước đây, ông cùng những người sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục hô hào chấn hưng thực nghiệp, cổ vũ nghề kinh doanh buôn bán thì nay, ông có điều kiện để thực hành những lý thuyết mà mình đề xướng.

Từ những nỗ lực cổ súy cho nền thương nghiệp của Lương Văn Can nói riêng và các nhà nho trí thức nói chung, đến đầu thế kỷ XX, nghề buôn bán kinh doanh ở nước ta đã có nhiều thay đổi.

Một tầng lớp người làm kinh doanh mới từng bước được hình thành, trong đó nổi lên những tên tuổi như ‘Nhà công nghiệp’ Trương Văn Bền ở Sài Gòn, ‘Ông vua đường thủy’ Bạch Thái Bưởi ở Hà Nội, ‘Ông tổ nghề sơn’ Nguyễn Sơn Hà…

Không chỉ vậy, cho đến ngày nay, trải qua hơn một thế kỷ nhưng những tư tưởng kinh doanh tiến bộ của Lương Văn Can vẫn phù hợp với đạo lý của dân tộc Việt Nam cũng như tư tưởng kinh doanh của thời đại.

Các thế hệ doanh nhân người Việt luôn xem ông như người thầy đầu tiên của giới doanh thương.

ĐỖ HOÀI GIANG

Nguồn: Facebook

Bình luận về bài viết này