Chúng ta được sinh ra để làm gì?

rebirth

Ngày sinh thì biết được, nhưng ngày mình hiểu tại sao có mặt trên cõi đời này thì khó biết được

MỘT

Sáng nay, đang ngồi cà phê cà pháo với bạn bè, ba em nghiên cứu sinh tới tặng quà sinh nhật…

Trời!

Đúng là một ngạc nhiên ngọt ngào.

Sweet incidence!

Cám ơn các em!

Những người ở thế hệ tôi, lớn lên trong thời chiến tranh ác liệt và ở miệt quê, ngày sinh không phải là ngày quá quan trọng.

Thời đó (nửa thế kỷ trước) ở quê tôi không có ai mừng ngày sinh, hay nếu có thì cũng hiếm lắm.

Mãi đến khi ra nước ngoài, mỗi lần đến sinh nhật là bạn bè và đồng nghiệp tổ chức ăn mừng.

Người phương Tây cho rằng có hai ngày quan trọng nhất trong mỗi cuộc đời của chúng ta:

Ngày mình được sanh ra và ngày mình hiểu tại sao mình có mặt trên cõi đời này.

Ngày sinh thì biết được, nhưng ngày mình hiểu tại sao có mặt trên cõi đời này thì khó biết được.

Chắc chính vì vậy mà người ta mừng ngày sinh hơn là ngày giác ngộ?

HAI

Con người chúng ta được sinh ra để làm gì?

Tôi nghĩ câu hỏi này không cần thiết, bởi đâu có ai biết chắc chắn.

Theo triết lý Phật giáo, bản ngã (self) chỉ là ảo giác, nên câu hỏi tại sao chúng ta được sinh ra là câu hỏi sai.

Nhưng theo tâm lý học phương Tây thì bản ngã là có thật, và cần phải phân tích để hiểu cái căn cước tính của mỗi người.

Thành ra, đi tìm câu trả lời cho câu hỏi:

“Tại sao chúng ta được sanh ra?”

Theo tôi là mất thì giờ vì khác điểm tham chiếu.

Tốt nhất là chúng ta chấp nhận rằng chúng ta đang sống, và cuộc sống có mục đích.

Chúng ta đang sống, và chúng ta cần phải kiến tạo cuộc sống tử tế hơn và đáng sống hơn.

Để làm cho cuộc sống đáng sống hơn, chúng ta cần phải hạnh phúc và diệt khổ.

Chúng ta chỉ hạnh phúc khi người chung quanh hạnh phúc.

Để làm cho người chung quanh hạnh phúc, chúng ta cần phải chia sẻ và phụng sự.

Suy nghĩ như thế chúng ta sẽ thấy mục đích sau cùng của cuộc sống là chia sẻ và phụng sự.

BA_

Sáng nay, trên bàn cà phê một anh bạn hỏi tôi khi về Việt Nam làm việc, tôi có giác ngộ gì không.

Câu trả lời là:

“Không!”.

Nếu có “giác ngộ” tôi nghĩ mình đã nhận ra cách nói là một khác biệt rất rất lớn giữa người trong nước và ở phương Tây.

Tiếp xúc với nhiều người ở trong nước, tôi có cảm giác hình như vài người không biết nói,  đặc biệt là không biết cách phê bình trong khoa học.

Có vài người có vẻ quen với cách nói như mắng xối xả vào người đối diện, mà không hề quan tâm đến cảm xúc của họ.

Tây gọi là “bully” – nói nôm na là “ăn hiếp” hay “bắt nạt”.

Những người này không biết tính chuyên nghiệp là gì, và hình như họ chưa bao giờ đọc sách.

Có người còn lấy cách hạ nhục và chửi đàn em như là một niềm … tự hào.

Một loại tự hào bệnh hoạn!

NGUYỄN VĂN TUẤN

Nguồn: Facebook

Bình luận về bài viết này