Tuyển tập Nguyễn Huy Thiệp đến với độc giả Pháp

Nhân dịp nhà xuất bản L’Aube tại Pháp vừa cho ra mắt tuyển tập truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, dày 750 trang, dịch sang tiếng Pháp mang tên

“Tội ác, tình yêu và trừng phạt”,

phụ trang văn học của nhật báo l’Humanité, tờ báo của đảng Cộng sản Pháp có bài giới thiệu nhà văn Việt Nam và những tác phẩm nổi bật của ông được viết ra từ thời kỳ “Đổi mới”.

Bài viết mang tiêu đề:

“Một nhãn quan yêu dấu và không khoan nhượng”

đã giới thiệu với độc giả Pháp một những nét khái quát về con người một nhà văn đương đại có những góc nhìn mới, táo bạo.

Có thể đối với độc giả văn học Việt Nam thì Nguyễn Huy Thiệp không phải là cái tên xa lạ mặc dù ông chỉ xuất hiện trên văn đàn Việt Nam từ  năm 1986 với một vài truyện ngắn và sau đó là tiểu thuyết.

Nhưng với độc giả Pháp theo tác giả bài viết:

“Việc xuất bản tuyển tập truyện ngắn của nhà văn Việt Nam là một sự kiện văn học hàng đầu”.

Đem lại sự kiện này cho công chúng yêu văn học ở Pháp chính là nhà xuất bản danh tiếng L’Aube.

Cho đến giờ nhà xuất bản này đã từng phát hành 7 tập truyện riêng lẻ và bài viết của Nguyễn Huy Thiệp.

Theo tác giả thì ngay từ đầu những năm 1990, ở Pháp đã xuất hiện một cách lặng lẽ những bản dịch đầu tiên tác phẩm của nhà văn viết trong thời kỳ được gọi là “đổi mới”.

Tác giả bài viết nhấn mạnh đến truyện ngắn:

“Tướng về hưu”

lần đầu xuất hiện trên tuần báo Văn nghệ năm 1987 đang gây tiếng vang lớn.

Theo tác giả thì với “Tướng về hưu” văn học Việt Nam dường như bước chững chạc vào một kỷ nguyên mới hừng hực khí thế cứ như là chính quyền đã cởi trói hoàn toàn muốn các nhà văn viết như vậy.

Cũng vào thời kỳ đó, trên văn đàn Việt Nam xuất hiện các tiểu thuyết của các nhà văn như Dương Thu Hương, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài.

Tác phẩm của các tác giả nổi bật này đã được dịch sang tiếng Pháp.

Tác giả bai viết nhận thấy một số cuốn như  “Bên kia bờ ảo vọng” của Dương Thu Hương, “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh đã nói lên được những sắc thái riêng biệt của từng nhà văn.

Tác giả cho biết, cái tựa đề của tuyển tập “Tội ác, tình yêu và trừng phạt” rõ ràng có ý liên tưởng đến văn hào Dostoievski.

Nó tập hợp tất cả những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đã xuất bản tại Pháp, trong đó có thêm bốn tác phẩm mới được công bố.

Phần dịch thuật, tuyển tập đã được hai nhà nghiên cứu văn học Marion Hennebert và Thụy Khuê đọc hiệu đính cẩn thận.

Trong tuyển tập còn có phần chú thích của nhà xuất bản để tạo điều kiện cho độc giả phương tây tiếp cận tốt hơn với tác phẩm.

Tuyển tập các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được đánh giá như những mảng ghép để vẽ lên một bức tranh mô tả một đất nước Việt Nam vô cùng đa dạng, một Việt Nam mà nhà văn đã lần theo và gợi lại lịch sử ở nhiều chiều và trong mọi mặt mâu thuẫn của nó.

Sau khi điểm qua một số truyện trong tuyển tập, tác giả bài báo nhận định:

“Thiệp không ngần ngại đặt mình vào trong cuộc và chia xẻ những suy tư cá nhân và cảm nhận về nghề viết văn của mình trong xã hội, vì thế mà người ta có thể hiểu được những lý do vì sao chính quyền lại cảm thấy khó chịu với thành công của ông trong những tác phẩm văn học ở trong cũng như ngoài nước”.

Tờ báo nhắc lại sự việc, tháng Năm vừa rồi, lẽ ra Nguyễn Huy Thiệp đã đến Pháp để giới thiệu tác phẩm của mình.

Nhưng cuối cùng chuyến đi đã bị hủy vì vấn đề visa.

Ngay sau sự cố này, Nguyễn Huy Thiệp đã cố gắng giải thích việc đó không liên quan đến chuyện kiểm duyệt của chính quyền mà đơn giản chỉ là vì lý do sức khỏe cá nhân.

Theo tác giả thì lời giải thích rất xã giao đó không che giấu được thực tế nặng nề bên trong sự việc.

Hiện tại nhà văn một lần nữa lại bị tách biệt với thế giới bên ngoài …

Khác với Dương Thu Hương đang tỵ nạn tại Pháp, từ lâu nay, Nguyễn Huy Thiệp đã chọn ở lại đất nước mà ông đã gắn bó, yêu thương mãi mãi.

ANH VŨ

 Nguồn: RFI

Bình luận về bài viết này