Thất bại mà tốt!

“Thành công không nói lên được điều gì.

Thất bại cho chúng ta biết rằng có điều gì đó không ổn…

Tại sao nó sai và bạn có thể vượt qua như thế nào”.

Đó là ý kiến của doanh nhân người Anh James Dyson, Chủ tịch kiêm sáng lập viên của công ty công nghệ Dyson trong Diễn đàn Đổi mới thiết kế do Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore (SUTD) phối hợp với nhật báo The Straits Times tổ chức trực tuyến vào tháng 3-2021.

Theo nhà phát minh máy hút bụi không túi nổi tiếng thế giới này, điều quan trọng là phải thử nghiệm, chấp nhận thất bại trên đường đời và học hỏi từ những thất bại này, và các cơ sở giáo dục cần tạo ra môi trường để thúc đẩy quá trình này.

Thatbaimatot

Để nuôi dưỡng sự sáng tạo, cần có một bầu không khí khác ở môi trường học đường, nơi mọi người có thể thử nghiệm, sai lầm, thất bại và tìm ra cách vượt qua thất bại của mình…

Ba giai đoạn học tập

Trong quyển sách “How people learn – brain, mind, experience, and school” (tạm dịch: “Con người học như thế nào – não bộ, tư duy, trải nghiệm và trường học”), các tác giả là nhà tâm lý học người Mỹ John Bransford, RR Cocking và Ann L Brown đã đưa ra ba giai đoạn mà người học sẽ trải qua trong quá trình lĩnh hội kiến thức và trang bị kỹ năng (Xem bảng 1).

Chúng ta có thể thấy trong giai đoạn đầu, việc học được dựa trên những gì học viên đã có.

Sau đó, học viên đạt được sự cân bằng giữa sự hiểu biết phiến diện và hiểu biết sâu sắc.

Và cuối cùng, học viên có thể kiểm soát quá trình học của mình.

Theo các tác giả, các giai đoạn này cần có sự tham gia tích cực của người học:

Học tập trước hết là một hoạt động xã hội.

Kiến thức mới được hình thành trên cơ sở những gì đã hiểu và tin.

Và việc học tập phát triển bằng cách sử dụng những phương cách hiệu quả và linh hoạt giúp người học hiểu, lập luận, ghi nhớ và giải quyết vấn đề.

Học viên phải được dạy cách lập kế hoạch và theo dõi quá trình học tập, cách đặt mục tiêu học tập và sửa chữa lỗi lầm hay sai sót của riêng mình.

Trong một quyển sách khác mang tựa đề “How we learn: why brains learn better than any machine… for now” (tạm dịch: “Chúng ta học như thế nào: tại sao não bộ học tốt hơn bất kỳ máy móc nào,… cho hiện tại”), nhà khoa học thần kinh nhận thức người Pháp Stanislas Dehaene cho rằng:

“Học cách học (learning to learn) có thể được cho là yếu tố quan trọng nhất để thành công trong học tập”.

Tại Singapore, “học cách học” là một ý tưởng đang được chính phủ và các nhà giáo dục quan tâm.

Đầu năm nay, Viện Giáo dục Quốc gia đã ra mắt Trung tâm khoa học học tập trong giáo dục để phát triển các phương pháp và công cụ học tập hiệu quả cho sinh viên dựa trên nghiên cứu đa ngành.

Riêng Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đã đưa “khoa học của việc học” trực tiếp đến sinh viên thông qua học phần tự chọn tên là “Learning to learn better” (Học cách học tốt hơn).

Giaidoanhoctap

Ba giai đoạn người học sẽ trải qua trong quá trình lĩnh hội kiến thức và trang bị kỹ năng

Học cách học

Bước đầu tiên của phương pháp này khuyến cáo học viên tích cực phản ánh những gì họ đang thực sự làm khi xử lý câu hỏi thực hành.

Cụ thể hơn, học viên nên suy nghĩ thấu đáo về lý do đằng sau các bước họ thực hiện khi làm bài tập về nhà trong kỳ nghỉ hoặc các câu hỏi thực hành.

Thực hành vẫn quan trọng khi học các khái niệm mới hoặc chuẩn bị cho các kỳ thi, nhưng nó nên được thực hiện một cách có ý nghĩa, không phải một cách vô tâm.

Kế đó, học viên tích cực tạo mối liên hệ giữa các khái niệm khác nhau mà họ đang học.

Ví dụ, khi ôn tập một chương cụ thể, học viên nên cố gắng trình bày rõ các khái niệm khác nhau trong chương đó được liên kết với nhau như thế nào.

Ngoài ra, khi được dạy nội dung mới, họ nên tích cực phản ánh xem kiến ​​thức mới có liên quan như thế nào với những gì đã được dạy trước đó.

Cuối cùng, khi lập kế hoạch học tập, học viên nên sắp xếp thời gian ôn tập cho từng môn học một cách chiến lược trong các kỳ nghỉ và trong thời gian học của học kỳ.

Một cách tiếp cận khác phù hợp với tinh thần học hỏi từ thất bại theo khuyến cáo của doanh nhân người Anh James Dyson là học viên phải được rèn luyện tính kiên cường (resilience).

Một công trình nghiên cứu được xuất bản trên trên tạp chí học thuật quốc tế Current Psychology hồi đầu năm nay đã chỉ ra rằng kiên cường là một kỹ năng có thể học được.

Được thực hiện trong khoảng chín tháng từ năm 2018-2019, công trình này đã tìm hiểu điều gì đã khiến một nhóm 107 sinh viên chưa tốt nghiệp đã đứng vững sau thất bại trong học tập và cho thấy sinh viên nào có mức độ kiên cường cao hơn sẽ ít bị kiệt sức hoặc kiệt quệ về mặt tinh thần và tâm lý theo thời gian.

KiencuongTonthuong

Bảng so sánh tính cách học sinh

Và học cách “thất bại tốt”

Các nhà nghiên cứu đã xác định năm khía cạnh của tính kiên cường là:

a) Cách tiếp cận đối phó bằng cách chủ động tìm cách giải quyết vấn đề;

b) Niềm tin vào khả năng của mình để đưa ra những quyết định khó khăn;

c) Nỗ lực phải làm việc chăm chỉ để đạt được mục tiêu và được thúc đẩy bởi ý thức về mục đích;

d) Có các nguồn lực cả bên trong (ví dụ: khả năng tìm thấy sự hài hước trong tình huống) lẫn bên ngoài (như có các mối quan hệ an toàn và biết nơi để tìm kiếm sự trợ giúp trong nghịch cảnh);

e) Tâm linh, tức là có thể chấp nhận những thất bại tốt hơn trong bối cảnh của một mục đích hoặc đức tin cao hơn.

Theo một đồng tác giả của công trình nghiên cứu này là giáo sư trợ lý ngành tâm lý học Cheung Hoi San thuộc Đại học Yale-NUS, mặc dù một số nội dung trên đây có thể được coi là đặc điểm hoặc kỹ năng, nhưng hầu hết chúng là những phản ứng “có thể dạy được”, chứ không phải là những phần bẩm sinh trong tính cách của một người.

Theo Lance King, tác giả của “Sách bài tập các kỹ năng tiếp cận học tập cho học sinh trung học tú tài quốc tế” (DP ATL Student Workbook), tính kiên cường là một khái niệm nhiều khía cạnh gồm các yếu tố của nhiều kỹ năng tính cách (character skills) trong đó có việc “thất bại tốt” (failing well).

Thất bại theo cách này là bản chất của khả năng cải thiện hiệu suất.

Nếu bạn muốn cải thiện thành tích của mình ở trường hoặc bên ngoài trường học trong bất kỳ lĩnh vực nào của cuộc sống, bạn cần phải học cách “thất bại tốt”.

Những người “thất bại tốt” sẵn sàng thừa nhận thất bại, tự chịu trách nhiệm về hành động của mình, tìm ra những gì mình đã làm sai, thực hiện thay đổi và tìm ra hướng đi mới.

Còn những người “thất bại xấu” (failing badly) thường đổ lỗi cho hệ thống, đổ lỗi cho người khác, làm ra vẻ như không bao giờ gặp bất kỳ thất bại nào, thêm kịch tính cho những thất bại để tránh đối phó với chúng, tránh bất kỳ hoạt động nào có thể dẫn đến thất bại, bỏ bất kỳ hoạt động nào sau lần thất bại đầu tiên, lặp đi lặp lại cùng một sai lầm và cho rằng thất bại này ở đâu cũng có.

LÊ HỮU HUY

Nguồn: Tạp chí Kinh tế Sài Gòn

Bình luận về bài viết này