“Phước” từ đâu mà có?

Tinhthaytro

Các con học thầy mà yêu thương, giúp đỡ người khác đã là mang lại phước báu vô lượng cho thầy

MỘT

Biết sự nguy hại của tà giáo, tôi chịu khó xem hơn cả trăm cái video trên Youtube do các tu sĩ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam quảng bá.

Từ bài nói của tăng trung ương Thích Thanh Quyết đến các thuyết pháp của tăng địa phương từ Bắc chí Nam như Thích Trúc Thái Minh, Thích Nhật Từ, Thích Chân Quang, Thích Nhuận Đức…, hết thảy không có một lời nào nói Phước sinh ra từ Đức.

Chỉ thống nhất một tinh thần:

Phước có được nhờ cúng dường bằng rất nhiều tiền!

Tất nhiên, phương tiện thúc đẩy, gây áp lực thực hiện điều đó là các tăng dùng Họa để đe dọa đám đông.

Chuyện cúng sao giải hạn với giá một trăm năm mươi  ngàn đồng, Thích Thanh Quyết than thở như một nhà buôn vỡ nợ:

“Thu một trăm năm mươi  ngàn là lỗ chỏng vó!”

Đến lượt Thích Trúc Thái Minh cúng vong, trục vong giải nghiệp nhân lên số tiền hàng trăm triệu để tính lãi.

Tiến đến Thích Nhật Từ, Thích Chân Quang, Thích Nhuận Đức, để khỏi phải bỏ vốn rồi tính lời lãi, các tăng gom tiền chơi hụi luôn.

Chủ hụi ngoài đời gom hụi có lừa đảo con hụi thì cũng phải trả một mức lãi nào đó để tạo lòng tin rồi mới chạy trốn.

Chủ hụi nhà chùa thì hứa kiếp sau sẽ trả, theo nghĩa có Phật ban phước cho, để gieo niềm tin hão huyền.

Cúng hai trăm bao xi măng thì kiếp sau có được nhà hai tầng.

Cúng năm trăm triệu thì kiếp sau sẽ có được năm tỷ.

Hiến nhà đất thì kiếp sau thành đại gia bất động sản.

Chủ hụi lưu manh nhất cũng phải gọi nhà sư bằng sư tổ, vì tiền lãi đó phải chờ chết đi rồi mới có thể đòi lại được.

Có thể trò lưu manh với hứa hẹn về phước báu ấy chẳng lừa được ai.

Nhưng cái Họa mà các tăng đe dọa thì ai cũng khiếp sợ.

Không cúng bằng tiền chẵn, mệnh giá cao thì sẽ tổn phước hoặc bị vong quậy, đau ốm, bệnh tật, tán gia bại sản.

Con ma nó ám, ắt các Phật tử, các loại con bệnh sợ hãi mà làm theo lời ma quỷ tuôn ra từ miệng thầy.

Từ bé, tôi đã từng học đủ các món như bói toán, xem tướng, kể cả cúng tế với pháp thuật đồng bóng.

Nhưng sau khi học xong, biết đủ, thầy tôi nói ngay:

“Biết cho vui.

Không được hành nghề!

Bởi tất cả đều là trò lừa đảo.

Phước do tích Đức mà có được.

Họa không phải rủi ro ngẫu nhiên thì do chính mình tạo ra!”

Năm ba tôi từ trần, sau đó một năm em trai tôi đột quỵ mà mất, lập tức bà thông gia đi coi bói và báo lại, rằng tôi phải cúng giải nghiệp, nếu không thì gia đình còn tai biến và tôi phải chết.

Giá tiền treo luôn vào cổ tôi:

Ba trăm triệu gửi cho người cúng giải!

Cả nhà tôi hoang mang.

Mẹ tôi lo lắng, khóc nhiều và bị ám thị cả tháng trời.

Riêng tôi, nhờ từng học và từng được thầy tiết lộ trò lừa đảo trên mà có thần kinh thép để vượt qua.

Tôi nói ngay:

“Tôi thà chết, không làm chuyện ấy!”

và động viên mẹ an tâm.

Hơn mười lăm năm nay, tôi vẫn sống vui vẻ, mạnh khỏe…

HAI

Khoảng dăm hôm nay tôi không xem các clip về hành giả Minh Tuệ nữa, nhưng những gì đã thấy trước đó thì cho tôi biết rằng, trong hàng ngàn người đang vây quanh ông, thì tôn kính có, tò mò có, cầu phước có…

Và có lẽ cầu phước là đông nhất chăng (?).

Vì họ nghĩ rằng ông là một vị thánh, là một Bồ tát hay Phật tái lai, và cúng dường cho ông thì sẽ được phước báu vô lượng.

Vì thế, mới có chuyện lũ lượt tranh nhau mang đồ ăn thức uống tới, thậm chí xô đẩy, liều mạng xông vào để cố nhét vô cái nồi cơm điện của ông.

Đồ ăn bày la liệt trước mặt ông, trông như nhà có đám giỗ.

Trong một video, ông nói:

“Đừng có chen vào để chạm tay một cái, không có tác dụng gì đâu!”

Tức, họ nghĩ chạm tay vào ông thì cũng sẽ được phước lớn?!

Cứ cho rằng cái điều họ nghĩ là đúng đi, rằng ông đã thành thánh, thành Phật, thì cúng dường cho ông sẽ có phước lớn đến mức nào?

Kinh Ðịa Tạng Bổn Nguyện, Quyển Hạ, Phẩm thứ 10: So sánh nhân duyên công đức của sự bố thí như sau:

“Đức Phật bảo ngài Địa Tạng bồ tát rằng:

“Trong cõi Nam Diêm Phù Đề có các vị Quốc vương, Tể phụ quan chức lớn, đại Trưởng giả, đại Sát Đế Lợi, đại Bà La Môn v.v…

Nếu gặp kẻ hết sức nghèo túng, nhẫn đến kẻ tật nguyền câm ngọng, kẻ điếc ngây mù quáng, nếu có thể đủ tâm từ bi, lại có lòng vui vẻ tự hạ mình, tự tay mình đem của ra bố thí cho tất cả những kẻ đó, lại dùng lời ôn hòa dịu dàng an ủi.

Các vị Quốc Vương, Đại Thần đó đặng phước lợi bằng cúng dường cho một trăm hằng hà sa chư Phật vậy.”

Nghĩa là gì?

Là bố thí cho người nghèo khổ, người tật nguyền, bất hạnh, sẽ được phước lợi lớn hơn cúng dường cho một vị Phật hàng vạn, hàng tỷ lần!

Nếu các vị tin Phật và mang lòng muốn cầu phước, thì xung quanh mình có đầy rẫy cơ hội để làm phước, và toàn cơ hội “thù thắng, vi diệu” cả, không mắc mớ chi phải xô đẩy nhau để lao vào cúng dường cho một người mà chính người ấy luôn lặp lại rằng mình mới chỉ là một người đang đi tập học, chưa có thành tựu gì.

Như trong kinh nói, cách cho quan trọng hơn của cho, nếu gặp người nghèo khổ bất hạnh, và vì cầu phước thì cần “đủ tâm từ bi, lại có lòng vui vẻ tự hạ mình, tự tay mình đem của ra bố thí” thì mới có phước lớn.

Cho đi bằng cái tâm khó chịu, cao ngạo, khinh thường, thì sẽ không có mấy lợi ích, thậm chí còn rước phiền não vào người.

Vậy thì, với những người có tâm cầu phước, Không cần phải đến chùa hay xông vào chỗ ông Minh Tuệ làm gì cả, chỉ cần bước chân ra đường là có thể gặp ngay những hoàn cảnh khó khăn, và bố thí cho họ thì được “phước lợi bằng cúng dường cho một trăm hằng hà sa chư Phật”.

Lâu nay dân tình đổ xô đến các chùa chiền, đua nhau cúng dường cho những ông sư, mà trong đó có không ít sư hổ mang, để rồi họ mang tiền mồ hôi ấy của mình đi mua xe sang, mua đồng hồ xịn, sống xa hoa lỗng lẫy…, là cũng bởi bị lừa dối.

Họ bị các ông sư này nhồi nhét vào đầu rằng, cúng cho sư cho chùa mới có phước báu lớn, “năm trăm kiếp sau hưởng chưa hết”!

Đáng ra các sư cần dạy và khuyên Phật tử đi làm việc thiện giúp người thì lại lừa họ rằng, chỉ cúng tiền cho trụ trì (mà phải tiền chẵn) thì mới được phước lớn!

BA

Họa không phải từ dưới địa ngục ma quỷ chui lên, và Phước cũng không phải từ trên trời rớt xuống.

Một đời con người gặp vài lần Họa là chuyện hiển nhiên.

Tâm lý tốt, thần kinh vững vàng, bạn có thể vượt qua tất cả.

Càng sợ hãi, Họa càng sẽ đến nhiều lần, giống như ma quỷ nhập tâm và xui khiến vậy.

Nếu Phước mà từ đâu đó mang đến, chẳng khác gì đánh bạc, loại Phước ấy chẳng bao giờ được bền lâu, thậm chí Phước thành Họa.

Giả định, bạn nhặt ngoài đường hay thậm chí vào bãi vàng, bạn có được một túi vàng, bạn dễ tưởng đấy là Phước.

Rất có thể đó cũng là lúc bạn gặp Họa.

Nếu không bị cướp, giết, như từng diễn ra ở các bãi vàng, thì bạn cũng mất ăn mất ngủ vì cái túi vàng đó.

Nếu Phước mà mua được bằng tiền thì tướng cướp, quan tham mua hết, còn đâu đến người thường?

Những Trần Bắc Hà, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Trương Mỹ Lan… chẳng phải vào chùa mua Phước và gặp Họa đấy sao?

Nhà chùa dạy mua Phước bằng tiền là khuyến Ác diệt Thiện.

Vô thường thì tất “họa phúc hữu môi phi nhất nhật” (Nguyễn Trãi).

Ham Phước nhiều thì gặp Họa nhiều.

Biết tích Đức thì gặp Họa cũng như không.

Bạn hãy sống có nhân đức, yêu thương, chia sẻ và giúp người, trong đời thường và trong hoạn nạn, ắt bạn được người khác giúp đỡ.

Đó là Phước lâu dài, bền vững.

Bạn hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, sống tốt với những người xung quanh đã là tích Đức và hưởng Phước mỗi khi gặp Họa.

Bởi nhờ quan hệ ấy mà bạn vượt qua mọi tai ương.

Tôi làm thầy giáo, tôi yêu học trò như con và giúp chúng lúc ngặt nghèo.

Tôi không cần chúng trả ơn.

Học trò tôi thành đạt hoặc chỉ cần bình an là coi như chúng đã trả ơn và xem tôi như cha.

Các con học thầy, không phải trả ơn thầy mà yêu thương, giúp đỡ người khác đã là mang lại Phước báu vô lượng cho thầy.

Và như vậy, chính cái Đức đã mang lại Phước cho tôi.

Khi chết, tôi trả hết nợ của cuộc đời và thanh thản….

CHU MỘNG LONG – THÁI HẠO

Nguồn: Facebook

Bình luận về bài viết này