“Thơm” có nghĩa là gì?

NguiMui

Khi bạn hứng thú, say đắm về một đối tượng thì đối tượng ấy có hôi cũng thành thơm

MỘT

Cafe sáng nay, có bạn hỏi:

“Theo thầy, một người cả tháng không tắm giặt thì là hôi hay thơm?

Nếu thơm thì thầy có thấy thần bí không?”

Tôi cười:

“Chẳng có gì thần bí cả.

Hôi hay thơm là ở cảm xúc của bạn.

Bạn yêu thì thơm, bạn ghét thì hôi…”

Triết học phương Đông luận về Tâm và Vật.

Vật tác động vào Tâm, Tâm động thì Vật động và ngược lại, sự tương thông giữa Tâm và Vật từ đó mà thành.

Mỹ học Đông Tây đều gọi chung là sự hoà điệu.

Sách Cộng hòa có ẩn dụ về cái hang động trứ danh.

Plato dẫn lời người thầy Socrates, rằng Thượng Đế sinh ra con người rồi xiềng xích vào trong cái hang động.

Ở đó con người chỉ nhìn thấy cái bóng của mình trên vách hang mà tưởng là sự thật.

Sự thật nằm ngoài cái hang ấy và ở trên cao kia.

Không hiểu sao, các sách triết học, mỹ học, lý luận văn học Việt Nam thời nay đều dùng ẩn dụ này để phê phán Plato duy tâm?

Sách triết học thì bảo với ẩn dụ ấy, Plato khẳng định ý niệm tuyệt đối (tức Thượng Đế) có trước, là sự thật, và chính Plato đã phủ định tính vật chất của hiện thực.

Còn mỹ học và lý luận văn học thì xem luận đề “Nghệ thuật chỉ là cái bóng của cái bóng” của Plato là phủ định cực đoan tính hiện thực khách quan của nghệ thuật.

Tôi thì hiểu khác.

Ẩn dụ này không nói lên được điều gì về duy tâm hay duy vật, về tính hiện thực hay phi hiện thực.

Cái hang thực chất là giới hạn tầm nhìn của con mắt.

Rộng hơn là giới hạn tất cả các giác quan của chúng ta.

Điều này, chính vật lý học, sinh học cũng chứng minh, rằng con mắt ta chỉ nhìn thấy những gì trong khoảng không gian từ cực cận đến cực viễn (Sách giáo khoa lớp 7).

Gần quá, nhỏ quá hoặc xa quá, to quá cũng không thấy được.

Vật lý học chứng minh cái nhìn biểu kiến dễ gây nhầm lẫn, chẳng hạn như chúng ta thấy mặt trời quay quanh trái đất.

Sinh học cũng nói thêm, ngay cả cái ta thấy được cũng chỉ là ảnh ảo được khúc xạ qua nhãn cầu và ghi hình trong võng mạc.

Đó là lý do Aristotle và các triết gia về sau đòi hỏi quan sát thường nghiệm phải gắn liền với siêu nghiệm mới tìm thấy bản chất của sự thật.

Quay lại câu hỏi về người không tắm giặt thì hôi hay thơm.

Thói thường, chúng ta sẽ phán ngay là hôi.

Nhắc lại, ẩn dụ về cái hang động không chỉ nói về con mắt mà cho mọi giác quan.

Ta thường nhầm tưởng giác quan chi phối tinh thần mà quên rằng, đến lượt tinh thần chi phối ngược lại giác quan.

Tinh thần bạn rối loạn kéo theo các giác quan của bạn cũng rối loạn theo, thậm chí sinh ra những ảo ảnh quái lạ, đáng sợ.

Tinh thần bạn tốt, các giác quan của bạn tinh tường hơn, thấu được nhiều thứ các giác quan thông thường không nhận ra.

Vậy, chuyện hôi hay thơm thông qua khứu giác là rất tương đối.

Giác quan không chỉ là tương đối, thậm chí còn đánh lừa ta.

Không khó hiểu một khi bạn hứng thú, say đắm về một đối tượng thì đối tượng ấy có hôi cũng thành thơm.

Ngược lại, có những mùi, dù là nặng, nhưng khi mũi ta quen rồi, ắt thành không mùi.

Trong tín ngưỡng, khi bạn trong trạng thái quán tưởng, chính bạn có thể tạo ra mùi.

Người chay tịnh, ăn thức ăn không mùi, cơ thể quen với môi trường đến miễn nhiễm, có thể không mùi, nhưng nếu ta tín ngưỡng ắt quán tưởng ra mùi thơm.

Nói một cách dễ hiểu hơn, trong cái lẽ thường tình, tình yêu của bạn chẳng hạn, khi bạn yêu thật sự, chưa cần đạt đến sự thiêng liêng và cao cả, mùi hôi nách của người yêu cũng… rất thơm.

Ngược lại, khi bạn hết yêu thì thơm cũng có thể thành..thúi!

HAI

Một bạn rất thuộc bài triết học, phản biện bài viết nói trên của tôi, rằng:

“Mùi thơm là mùi thơm, mùi thúi là mùi thúi, không phụ thuộc vào thích hay không thích chủ quan”.

Bạn ấy còn phán xét nặng lời rằng, tôi “ngụy biện”, “thơm mà thấy thúi, và thúi mà thấy thơm chỉ có thể là người mắc bệnh thần kinh!”

Trong khi bài viết của tôi không chỉ dẫn từ triết học đến khoa học tự nhiên, cả tâm lý học mà đặc biệt, từ trải nghiệm của cá nhân và của các cộng đồng.

Do gắn lý thuyết với trải nghiệm, nên trẻ em cũng hiểu được, trừ những người bị định kiến bởi giáo dục hàn lâm kiểu Việt.

Trước hết, phải khen là bạn ấy rất thuộc bài.

Thuộc từ môn triết học duy vật biện chứng của Marx, Lenin.

Nhưng câu sau thì nhục mạ loài người quá đáng!

Tôi từng học môn Chủ nghĩa duy vật biện chứng rất nhiều lần, từ đại học đến sau đại học và trung cấp chính trị.

Thú thật, chỉ có vài người dạy được, còn lại phải nói là họ dạy “chủ nghĩa duy vật thô lỗ” (từ dùng của Lenin) hơn là dạy chủ nghĩa duy vật biện chứng.

Người thô lỗ thì thấy đâu nói đó, không cần suy tư.

Những người thô lỗ dạy triết học, dù là triết học cao siêu, thì vẫn thô lỗ.

Triết học là sản phẩm của trải nghiệm và suy tư, cho nên tinh tế và sâu sắc.

Giao bộ môn triết học cho kẻ thô lỗ chỉ có thể làm nát triết học và làm nát não người học.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong “Không có vua” viết:

“Triết học là món xa xỉ của bọn mọt sách”.

“Mọt sách” vì người dạy và luận triết học ở ta chỉ có thuộc lòng mà không cần trải nghiệm.

Họ cứ nói như cái máy tự động mà không hiểu mình nói gì.

Ở đây, để hiểu một vấn đề triết học, theo tôi, người học không chỉ trải nghiệm cá nhân mà còn cần huy động cả tri thức liên ngành để soi sáng một vấn đề, dù nhỏ nhất là chuyện thúi hay thơm.

Nhưng thường “triết gia” ở ta đã không có trải nghiệm, lại không có tri thức liên ngành.

Chỉ biết múa võ mồm, mà ngôn ngữ tuôn ra thì cả mớ rối loạn.

Chả trách sinh viên Việt Nam chán tận cổ môn triết học.

Quay lại cái chuyện thơm và thúi, thiết nghĩ bài trước đã đủ làm rõ vấn đề về Tâm và Vật, về Khách thể và Chủ thể trong mối quan hệ tương thông, biện chứng.

Nhưng do bạn ấy múa rối loạn lên về ngôn ngữ, rằng “mùi thơm” hay “mùi thúi” là đặc trưng bản chất khách quan của sự vật, độc lập không phụ thuộc vào thích hay không thích chủ quan.

Vậy thì điều cần bàn thêm ở đây là ngôn ngữ.

Thì ra sự rối loạn bắt đầu từ ngôn ngữ mà tôi phải giải thích ba lần, bạn ấy vẫn không hiểu gì.

Khái niệm “mùi thơm”, “mùi thúi” bị rối bắt đầu từ các nhà Việt ngữ học.

Họ dạy “thơm” hay “thúi” là định ngữ chỉ đặc điểm hay bản chất khách quan của sự vật.

Và mặc nhiên, trên cái vỏ tư duy ấy, người học phải suy luận theo như cái máy tự động, rằng “mùi thơm”, “mùi thúi” là đặc tính của sự vật, không phụ thuộc sở thích hay cảm nhận chủ quan.

Đây cũng cách mà các giáo trình triết học ở ta phê phán Plato, Kant, Hegel, Heidegger hay Husserl một cách thô lỗ.

Sự thật “mùi” (hay “không mùi”) mới là đặc tính khách quan phổ quát của sự vật, không phụ thuộc vào ý thức chủ quan.

Nhưng “thơm” hay “thúi” không còn là đặc tính khách quan của tự nhiên nữa mà là cảm nhận chủ quan.

Định ngữ “thơm” hay “thúi” thể hiện qua khứu giác và tinh thần của chủ thể.

Không thể nói “cảm nhận” thơm hay thúi là độc lập, khách quan được.

Người này không hiểu “giác quan” hay “cảm nhận” thuộc chủ thể nên cãi loạn cào cào.

Ai cũng hiểu cách nói “nước ngọt” (khái niệm này dùng cho nước sông, nước giếng, nước nguyên chất) thì “ngọt” là một định ngữ không hề chỉ đặc tính khách quan của nước.

Đặc tính khách quan của nước nguyên chất là không màu, không mùi, không vị, làm gì có vị ngọt?

“Ngọt” chỉ là cảm nhận chủ quan của vị giác khi chủ thể đối lập với “mặn”, “chua”…

Nhắc lại chuyện “quán tưởng” trong tín ngưỡng đã bổ sung ở bài viết trước.

Khi bạn trong trạng thái quán tưởng, chính bạn có thể tạo ra mùi nằm ngoài đặc tính của vật.

Chẳng hạn, người chay tịnh, ăn thức ăn không mùi, cơ thể không cần tắm rửa, nhưng do quen với môi trường đến miễn nhiễm, có thể không mùi, nhưng nếu ta tín ngưỡng ắt quán tưởng ra mùi thơm.

Tôi nhớ hồi bé, sau khi tụng kinh xong, một Đức Bà đến nhà tôi làm phép rồi cho mọi người uống và tôi cũng được uống, đúng là ngọt.

Đức Bà gọi đó là nước Cam lồ của Phật.

Hồi đó, tôi thấy thần bí.

Bây giờ thì tôi hiểu, Đức Bà đã thôi miên, tôn giáo gọi là đưa mọi người vào trạng thái quán tưởng.

Có những người uống nước tro (đốt từ bùa), vẫn cảm thấy ngọt sau khi nhìn trò “làm phép” của thầy cúng.

Trong trạng thái tín ngưỡng thật tâm, nước tro ấy có khả năng chữa bệnh là chuyện không có gì thần bí.

Đó là chữa bệnh từ gốc ở Tâm, tức đức tin.

BA

Bạn có tin rằng, khi bạn ở trong trạng thái thôi miên, bạn có thể biến cái mùi vị thành không mùi vị và ngược lại không?

Hay đơn giản hơn, khi bạn ăn cơm, VTV quảng cáo bàn cầu với hình ảnh cái thành bàn cầu cũ bám cứt vàng khè, nếu bạn không ở trong trạng thái từ màu chuyển sang thành mùi và cảm nhận cái mùi thúi của nó mà vẫn ăn cơm ngon lành, thì trạng thái ấy tôi mới có thể nói bạn có thần kinh không bình thường.

Chủ nghĩa tượng trưng khởi phát từ Baudelaire chính là thể hiện khả năng tương hợp giữa Tâm và Vật, giữa các giác quan với nhau để hình thành sự tương hợp giữa âm, sắc và mùi, vị với nhau.

Không có sự tương thông giữa Tâm và Vật, giữa mắt, mũi, miệng với nhau sẽ không thể hiểu vì sao có các loại hình tượng:

“Màu thời gian”, “Màu âm”, “Lời ngọt ngào”, “Chiều thơm”, “Đêm đắng”…

Nhiều nhà phê bình văn học luận chủ nghĩa tượng trưng cho ra vẻ cao siêu mà không trải nghiệm nên người đọc hiểu cũng rơi vào loạn não.

Kant đúng chứ chẳng có gì gọi là “duy tâm chủ quan” khi cho rằng đẹp hay xấu (cũng như thúi hay thơm) là do sở thích, tức hệ quy chiếu của chủ thể.

Các nhà duy vật Nga sau Lenin, điển hình là Staline từng thô lỗ đến mức xem Tương đối luận của A. Einstein là duy tâm, trong khi ở Bút ký triết học, Lenin nói: duy tâm thông minh hơn duy vật tầm thường!

Marx không thô lỗ khi dựa vào biện chứng của Hegel, đã chỉ ra, rằng tinh thần chủ quan của chủ thể người tác động vào vật chất, làm thay đổi hiện thực khách quan

Bạn nói:

“Thơm mà nói là thúi, thúi mà nói là thơm chỉ có thể là người bị bệnh thần kinh”

Bạn  rất dễ bị ăn đòn nếu bạn sống trong một cộng đồng khác.

Chẳng hạn, bạn đến với cộng đồng dân tộc thiểu số ở ta thôi chứ đừng nói thổ dân.

Khi đi bộ đội, tôi từng được già làng tiếp “thượng khách” bằng một món rất nặng mùi, món mắm nhái, tôi thấy thúi nhưng người đồng bào anh em khen:

“Mở nắp ra là thơm cả làng!”

Đến vùng thổ dân có những món ăn tương tự, nếu bạn chê thúi, tôi tin bạn không bị no đòn thì cũng bị đuổi ra khỏi làng đấy!

CHU MỘNG LONG

Nguồn: Facebook

Bình luận về bài viết này